Phát triển tuyến tàu điện một ray trên cao (monorail) đuợc xem là giải pháp khả thi cao trong việc giúp giảm gánh nặng lên hệ thống vận tải hành khách công cộng vốn đã quá tải tại TP.HCM.

Giảm áp lực cho vận tải công cộng
Đề án phát triển các tuyến monorail đã đuợc UBND TP.HCM giao cho Ban quản lý đường sắt đô thị TP trực tiếp nghiên cứu và triển khai. Theo kế hoạch đề ra thì trong năm 2012 sẽ chính thức khởi công xây dựng monorail.

Vì sao bộ trưởng Thăng đề xuất dùng tàu điện một ray? Tau
Tàu điện một ray được kỳ vọng là bài toán hữu ích cho tương lai giao thông Việt Nam - (Ảnh minh họa)
Theo một số chuyên gia giao thông có uy tín tại TP.HCM, tàu điện một ray có những đặc tính ưu việt hơn các loại phương tiện khác như có thể đi trên cao hoặc hạ ngầm, không chịu tác động và cũng không ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông khác.
Điểm quan trọng nhất của loại phương tiện này là chạy trên đường ray có dầm bê tông dự ứng lực nên không gây tiếng ồn; động cơ chạy bằng điện nên không thải các chất độc hại ra môi trường.
Hơn thế nữa, đường ray cho loại phương tiện này chiếm ít đất hơn tàu điện ngầm hay xe buýt. Mỗi cột trụ có đường kính khoảng 1m, khoảng cách giữa các cột là 30m, tiết diện trên không là 3m chiều ngang, vì thế không làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông mà vẫn giữ được mảng xanh nếu đường ray được xây dựng ở các dải phân cách.
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhận định, hệ thống monorail như hệ thống xương sườn kết nối hệ thống xương sống là đường sắt đô thị nặng (metro), giúp thu hút hành khách ngày càng đi nhiều hơn trên loại phương tiện vận tải hành khách công cộng này và đảm bảo cho vận tải hành khách công cộng phát triển đồng bộ hơn.
Trong khi đó, theo tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – Chuyên gia nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông, khi monorail đuợc triển khai, vai trò của xe buýt rất quan trọng. Đơn cử, xe buýt khi đó sẽ trở thành những phương tiện kết nối giữa các trạm trung chuyển của monorail, từ đó, phương tiện vận tải hành khách công cộng sẽ phát huy tối đa năng lực vận chuyển và tạo sự đồng bộ với nhau, đưa người dân TP đi bất cứ nơi đâu, đồng thời, giảm được lượng xe máy đang ngày càng tăng tại TP.HCM.
Cần tính kỹ
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, cho hay, tàu điện 1 ray sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất cho giao thông đô thị hiện nay. Nếu các sở, ban, ngành liên quan tại TP.HCM hành động ngay từ bây giờ thì khoảng 6 năm nữa sẽ có tuyến đường sắt 1 ray, trong khi xây dựng metro mất khoảng 10 đến 15 năm nữa. Tuy nhiên, phải nghiên cứu kỹ trước khi xây dựng.
Trong khi đó, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho rằng, việc phát triển theo mô hình 1 hay 2 ray không phải là điểm chủ yếu mà quan trọng phải tính toán thật kỹ về các yếu tố kỹ thuật trước khi tiến hành đầu tư và xây dựng. Nếu không sẽ đem lại tác dụng ngược lại và còn gây ra lãng phí lớn.
Ngoài ra, phải xem xét năng lực vận chuyển, mức đầu tư và thời gian thi công. Bởi, các tính toán về xây dựng monorail vẫn chưa xét rõ các yếu tố phát sinh, mới chỉ là phần thô. Ví dụ, về mức đầu tư xây dựng monorai được tính toán là 8 triệu USD/km, tuy nhiên đó chỉ là phần cầu trên cao, chưa kể hệ thống đường ray, hệ thống điện, demor (trạm dừng)…
Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, theo chỉ đạo của UBND TP trong năm 2012 sẽ chính thức khởi công các tuyến Monorail, tuy nhiên, đến nay Sở GTVT vẫn chưa nhận đuợc bất cứ thông tin gì về kế hoạch trên từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.
Được biết, trước đó vào năm 2011, trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Ban quản lý đường sắt đô thị TP cùng với Tập đoàn phát triển đầu tư Ý- Thái (ITD) đã ký kết hợp tác đầu tư xây dựng 3 tuyến monorail, gồm số 2, 3 và 4.
ITD đề nghị đăng ký đầu tư và tiến hành nghiên cứu dự án khả thi các tuyến monorail 2 và 3 theo hình thức BOT; tuyến metro số 4 theo hình thức ODA, EPC hoặc hình thức đầu tư phù hợp. Về nguồn vốn thực hiện các dự án, ITD sẽ thông qua Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) khoảng 4,55 tỷ USD.
Theo quy hoạch xây dựng từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP, tuyến monorail số 2 dài khoảng 13,75km, với 18 nhà ga đón trả khách. Bắt đầu từ đại lộ Đông Tây (quận 2) vượt sông Sài Gòn (dọc cầu Thủ Thiêm) băng qua đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Sau đó, sẽ chạy dọc theo đường Huỳnh Tấn Phát sang Khu chế xuất Tân Thuận và rẽ phải vào đại lộ Nguyễn Văn Linh. Đoạn cuối tuyến sẽ là nhà ga xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Tuyến monorail số 3 dự kiến có tổng chiều dài 6,65km, khởi đầu từ ngã 6 Gò Vấp đi theo đường Quang Trung vượt nút giao đường Xuyên Á tại Công viên phần mềm Quang Trung. Ga trung tâm của tuyến này đặt tại Tân Thới Hiệp, quận 12.
Tuyến cuối cùng (số 4) từ phường Thạnh Xuân, quận 12 đến đại lộ Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM nghiên cứu, xem xét bổ sung loại hình tàu điện một ray (Monorail) vào quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị, góp phần giảm ùn tắc.
Bộ Giao thông giao cơ quan chức năng làm việc với nhà đầu tư monorail để nghiên cứu trên các trục có lưu lượng 300.000-400.000 hành khách mỗi ngày, đảm bảo phù hợp quy hoạch giao thông thành phố.
Bộ đã lập đoàn khảo sát về loại hình này ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), thấy có nhiều ưu điểm, như: năng lực vận chuyển tối đa (với đoàn tàu 8 toa), tần suất 3,5 phút thì có thể vận chuyển 30.000 lượt khách/giờ theo một hướng.
Giang Uyên